Quả Phật thủ – vị thuốc kì diệu mà ít người biết tới

Theo Đông y, Phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ấm, đi vào 2 kinh phế và tỳ, có tác dụng hành khí chỉ thống, hóa đờm, kiện vị, chỉ khái, giúp tiêu hóa, cầm nôn mửa, chữa ho. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều Phật thủ sẽ bị hao tổn khí, người hư nhược kiêng dùng.

Y học hiện đại qua nghiên cứu đã cho thấy, Phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, axit hữu cơ, dầu chanh, glucoxit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí, bồi bổ dạ dày, có công hiệu giảm đau, hòa khí, làm dễ tiêu, tan đờm, khỏe tỳ vị, giảm ho, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn, giã rượu…Trong Phật thủ có tinh dầu và chất flavonoit gọi là hesperidin rất hữu ích để điều trị ho và đau dạ dày.

phật thủ

 Các bài thuốc chữa bệnh từ Phật thủ

1. Chữa viêm phế quản mãn tính

Đơn giản nhất là nhai cả cùi và vỏ quả Phật thủ, nuốt lấy nước. Hoặc dùng Phật thủ khô 6g, bán hạ chế với nước gừng (tẩm nước gừng sao vàng) 6g. Cho các vị vào ấm, sắc với 400ml nước cho tới khi còn 250ml, pha thêm chút đường cho dễ uống, chia làm 2 lần uống trong ngày.

2. Chữa đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày hiện nay đang là một trong những căn bệnh phổ biến nhất. Chỉ với quả Phật thủ, bạn có thể có ngay một phương thuốc chữa trị lâu dài cho căn bệnh này.

Lấy 15 đến 20g Phật thủ tươi hoặc 6 đến 10g Phật thủ khô, thái lát mỏng (tươi) hoặc tán vụn (khô) rồi cho vào ấm, chế nước sôi như pha trà. Để từ 10 đến 15 phút rồi đem uống nóng. Một ngày chỉ cần uống 1 thang nhưng uống thay nước.

Có thể dùng một trong những phương thuốc sau:

+ Phật thủ khô, huyền hồ sách mỗi thứ 6 g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Phật thủ khô 6 g, thanh bì 9 g, xuyên luyện tử 6 g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Nếu bị đau dạ dày do lạnh: Phật thủ khô 15 g, gạo tẻ sao vàng 30 g, sắc nước uống ngày 3 lần.

Nếu bị đau bụng do tỳ vị hư hàn: Phật thủ tươi 100 g (khô 40 g), rượu trắng 1 lít. Phật thủ thái nhỏ, ngâm với rượu ít nhất 15 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10 ml.

Nếu bị đau dạ dày mãn tính: Lấy 10g phật thủ khô, 6g hoa nhài, cho vào ấm, pha nước sôi, hãm khoảng 10-15 phút rồi uống lúc nóng. Ngày uống 1 thang thay nước trà. Bài thuốc có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị các chứng vị khí bất hòa, bụng đầy trướng, ăn không ngon, chán ăn.

3. Chữa ho nhiều đờm

Phật thủ 30 gam, đường phèn 15 gam, hấp cách thủy nửa giờ, ngày ăn một lần.

4. Chữa đầy bụng, ợ hơi

Vỏ phật thủ tươi 30 gam thái lát, sắc uống.

5.  Chữa đau bụng kinh

Để có bài thuốc hiệu quả chữa đau bụng kinh từ Phật thủ, bạn cần 30g Phật thủ tươi, 6g đương quy, 6g gừng tươi, 30g rượu gạo. Đổ nước vào hỗn hợp này, sắc uống. Với bài thuốc này, các chị em không phải lo lắng về những cơn đau dai dẳng ngày “đèn đỏ”.

6. Chữa nấc, ăn vào nôn ngược trở ra

Lấy vỏ quả phật thủ tươi cắt nhỏ, trộn đều với đường, ăn ngày 3-4 lần, mỗi lần vài miếng, nhai rồi nuốt dần.

7. Chữa huyết trắng ra nhiều

Để chữa huyết trắng, chúng ta cần 30g Phật thủ tươi, 30cm lòng non lợn (đã làm sạch), nấu kĩ với nước, ngày ăn (cả nước lẫn cái) từ 2 đến 3 lần.

8. Chữa viêm gan truyền nhiễm

Phật thủ khô 9g; bại tương thảo (cỏ bồng) mỗi tuổi 1 g, từ trên 10 tuổi thì cứ tăng 2 tuổi thêm 1g. Sắc với nước, pha đường, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình 10 ngày. Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm phương thuốc này trên 64 bệnh nhân và tất cả đều khỏi bệnh, các triệu chứng bệnh lý giảm rõ rệt trong vòng 4-6 ngày.

9. Phật thủ giúp giã rượu

Lấy 30g Phật thủ tươi (hoa hoặc quả), sắc lên rồi cho người đang say rượu uống. Làm như vậy giúp người say không bị đau đẩu mà còn rất tỉnh táo.

Món ăn – bài thuốc từ quả Phật thủ

Khỏe PLus xin giới thiệu thêm cách làm vài món ngon bổ dưỡng nâng cao sức khỏe với cây phật thủ để bạn có thể thử làm cho gia đình trong những ngày xuân ấm áp.

– Rượu phật thủ: phật thủ 30g, rượu trắng 500ml. Ngâm trong 7-10 ngày. Mỗi lần uống không quá 40-50ml. Dùng cho các trường hợp rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế…).

– Xi-rô phật thủ: phật thủ 15g rửa sạch thái nhỏ, đường trắng lượng thích hợp cho vào trong bình trà, đổ nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các bệnh nhân đau quặn bụng do đầy hơi trướng bụng.

– Cháo phật thủ: phật thủ 10-15g, gạo tẻ 60-80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi cháo được cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.

– Chè phật thủ: phật thủ 10g. Rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi, buồn nôn, nôn ói.

– Chè phật thủ cốc tinh thảo: phật thủ 60g, cốc tinh thảo 15g, chè 3g. Phật thủ, cốc tinh cùng nấu lấy nước, khi đã gần đặc gạn lấy nước vào ấm đã cho chè sẵn. Cho uống ngày 1 ấm, đợt dùng 5-7 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm thị thần kinh, thị lực giảm.

– Ruột lợn hầm phật thủ: ruột non lợn 1 đoạn, phật thủ 15-30g. Ruột lợn làm sạch thái đoạn, nấu với phật thủ, thêm gia vị thích hợp cho ăn. Dùng cho phụ nữ bị huyết trắng khí hư. Tuần dùng 2-3 lần, dùng liền trong 2-3 tuần.

– Làm mứt phật thủ: cách làm mứt phật thủ tương tự như cách làm mứt quất, vỏ bưởi truyền thống, bạn sẽ thu được món mứt dẻo thơm ngày Tết lại có tác dụng chữa ho thần kỳ.

Lam Lê (tổng hợp)